Lượt xem: 543

Tăng cường công tác quản lý việc sử dụng các loại hóa chất, kháng sinh cấm trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản

Lĩnh vực chăn nuôi nói chung và nuôi trồng thủy sản nói riêng là các ngành hàng có giá trị kinh tế cao trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh Sóc Trăng. Nhu cầu phát triển chăn nuôi ngày càng cao, trong khi giá vật tư đầu vào liên tục biến động, tình trạng sử dụng các sản phẩm ngoài danh mục cho phép lưu hành vẫn còn khó kiểm soát… đang gây ra những áp lực lớn trong việc phát triển nghề nuôi. Thực hiện nhiệm vụ chuyên ngành, thời gian qua, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đã tăng cường công tác quản lý, tuyên truyền không kinh doanh, sử dụng các loại hóa chất, kháng sinh cấm trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản nhằm phát triển nghề nuôi mang tính bền vững, tạo ra những sản phẩm an toàn, chất lượng cung ứng cho thị trường nội địa và xuất khẩu.

 


Kiểm tra, kiểm soát nhãn mác, xuất xứ hàng hóa, hóa chất, thức ăn tại cửa hàng kinh doanh 


    Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Châu Âu chính thức có hiệu lực từ ngày 01/8/2020 đã tạo cơ hội để nhiều mặt hàng tại Việt Nam có cơ hội xuất khẩu rộng mở hơn sang các nước. Song song đó, những yêu cầu đặt ra cũng sẽ khắt khe hơn, đặc biệt là vấn đề truy xuất nguồn gốc, an toàn thực phẩm. Tại Việt Nam, các lô hàng thủy sản xuất khẩu bị cảnh báo vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm tại thị trường nhập khẩu mặc dù đã giảm, nhưng vẫn ở mức cao.

    Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về kết quả triển khai chương trình giám sát dư lượng các chất độc hại, từ đầu năm đến nay, cả nước đã phát hiện 14 mẫu thủy sản bao gồm tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cá tra, cá rô phi… tại một số địa phương khu vực phía Nam có tồn dư hóa chất, kháng sinh cấm hoặc kháng sinh vượt mức giới hạn tối đa cho phép. Ngoài ra, cơ quan thẩm quyền của Ủy ban châu Âu cũng đã phát hiện và cảnh báo 10/19 lô hàng thủy sản xuất khẩu của Việt Nam có dư lượng hóa chất, kháng sinh cấm hoặc dư lượng kháng sinh vượt mức giới hạn tối đa cho phép.

    Tại Sóc Trăng, tổng số cơ sở kinh doanh thuốc thú y, thú y thủy sản trên địa bàn tỉnh đã được cấp chứng chỉ hành nghề và giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh đến thời điểm hiện nay là 721 cơ sở (trong đó thú y: 207, thú y - thủy sản: 06, thủy sản: 508). Để tăng cường quản lý, kiểm soát việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi trên địa bàn tỉnh, hằng năm Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Sóc Trăng đều xây dựng các kế hoạch kiểm tra, lấy mẫu thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi kiểm tra sự hiện diện của chất cấm thuộc nhóm Beta-Agonist.

    Nhờ thực hiện tốt công tác kiểm tra nên nhiều năm qua, trên địa bàn chưa phát hiện trường hợp sử dụng chất cấm trong sản xuất và kinh doanh. Đơn cử như tại cửa hàng thủy sản miền Nam ở phường Khánh Hòa, thị xã Vĩnh Châu có hơn 3 năm kinh doanh với gần 100 sản phẩm trên lĩnh vực nuôi trồng thủy sản bao gồm: Thuốc, thức ăn, sản phẩm xử lý cải tạo môi trường dung..., cơ sở luôn chấp hành tốt các quy định của Nhà nước; từng mặt hàng bày bán đều được bố trí khu vực riêng; có liệt kê danh mục mặt hàng kinh doanh và niêm yết giá theo quy định. Quá trình xuất/nhập hàng đều được lưu trữ kỹ để phục vụ truy xuất khi cần.

    Anh Huỳnh Văn Sơn - Tổng Giám đốc Công ty TNHH TMDV Thủy sản Miền Nam cho biết: “Công ty chúng tôi thường được Chi cục Chăn nuôi và Thú y mời tham gia các lớp tập huấn, tuyên truyền về những quy định trong kinh doanh. Tất cả các chuỗi cửa hàng của chúng tôi đáp ứng đầy đủ các điều kiện về giấy phép kinh doanh. Cửa hàng tuyệt đối không trưng bày hay kinh doanh những sản phẩm nằm ngoài danh mục cho phép. Các sản phẩm được bày bán đều có nhãn phụ bằng Tiếng Việt in trên sản phẩm một cách rõ ràng. Khi người dân đến mua hàng thì cửa hàng cũng phổ biến cho họ nắm rõ tác hại của việc sử dụng hóa chất, kháng sinh cấm”.

    Ngoài công tác kiểm tra, kiểm soát việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản tại các cửa hàng kinh doanh thì công tác kiểm tra, quản lý tại nơi sản xuất là các trang trại, hộ nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh cũng không kém phần quan trọng. Chi cục Chăn nuôi và Thú y thường xuyên thành lập các đoàn kiểm tra về tình hình sử dụng thuốc, hóa chất, thức ăn tại trang trại, hộ nuôi kiểm tra nhãn mác, xuất xứ hàng hóa sử dụng; yêu cầu các cơ sở ký cam kết không sử dụng hóa chất, kháng sinh cấm; nhắc nhở các cơ sở tuân thủ đúng quy định trong sử dụng thuốc, hóa chất, chỉ sử dụng thuốc, hóa chất nằm trong danh mục được phép lưu hành, có nguồn gốc rõ ràng, mua tại các cơ sở buôn bán thuốc có uy tín. Đồng thời, khuyến khích các cơ sở, hộ nuôi thực hiện ghi chép đầy đủ các thông tin về sử dụng thuốc.

    Ông Lâm Thanh Phong, hộ nuôi tôm ở phường Khánh Hòa, thị xã Vĩnh Châu cho biết thêm: “Được Chi cục tuyên truyền tôi cũng hiểu rõ hơn về tác hại của việc sử dụng hóa chất, kháng sinh cấm trong nuôi trồng thủy sản, từ đó tôi chấp hành tốt, tuyệt đối không sử dụng. Các sản phẩm tôi dùng trong nuôi tôm từ thức ăn, chế phẩm xử lý môi trường cũng đều chọn mua tại những cơ sở có uy tín, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng”.

    Tính từ đầu năm 2023 đến nay, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đã tổ chức 02 cuộc thanh, kiểm tra đột xuất, kiểm tra 22 cơ sở kinh doanh thuốc thú y, thủy sản, thức ăn chăn nuôi tại các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh, lấy 24 mẫu thuốc và thức ăn chăn nuôi gửi Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc thú y Trung ương 2 phân tích. Kết quả không phát hiện chất cấm sử dụng trong chăn nuôi; đồng thời, tiến hành tái thẩm định và cấp mới cho 203 cơ sở thuốc thú y thủy sản. Để đảm bảo an toàn sức khỏe cho người tiêu dùng cũng như giữ vững uy tín trên thị trường, bên cạnh các giải pháp quyết liệt vẫn đang được cơ quan chuyên môn tích cực triển khai, người trực tiếp tham gia sản xuất cần nắm vững các quy định, văn bản pháp luật có liên quan để có cách làm đúng và hiệu quả, phát triển sản xuất theo hướng có trách nhiệm.

    Đồng chí Lâm Minh Hoàng - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh thông tin thêm: “Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với đơn vị liên quan, địa phương tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền phổ biến quy định pháp luật về thú y và thủy sản, nhằm nâng cao ý thức của tổ chức cá nhân về sử dụng thuốc thú y thủy sản, đặc biệt là không sử dụng kháng sinh nguyên liệu, kháng sinh cấm sử dụng trong nuôi trồng thủy sản. Tăng cường kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân, buôn bán, sử dụng thuốc thú y, nhất là kháng sinh không rõ nguồn gốc, thuốc giả, thuốc kém chất lượng, thuốc cấm sử dụng, thuốc chưa được phép lưu hành tại Việt Nam, đặc biệt là buôn bán bất hợp pháp thuốc thú y trên mạng xã hội, qua hình thức trực tuyến; các trường hợp vi phạm quy định về tiếp thị, bán trực tiếp thuốc thú y, các sản phẩm hóa chất, sinh học xử lý, cải tạo môi trường thủy sản tại các vùng nuôi, cơ sở nuôi”.

    Với sự phát triển mạnh về tổng đàn cũng như diện tích nuôi; hằng năm, các hộ nuôi trên địa bàn phải sử dụng một lượng lớn các loại thuốc thú y, hóa chất, kháng sinh... Vì vậy, tăng cường công tác quản lý, tuyên truyền không kinh doanh, sử dụng các loại hóa chất, kháng sinh cấm trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản được xem là nhiệm vụ quan trọng để nâng cao chất lượng và khẳng định giá trị các sản phẩm chăn nuôi nói chung và nuôi trồng thủy sản nói riêng. Qua đó, góp phần cùng cả nước đưa ngành thủy sản Việt Nam giữ vững vị trí là 1 trong 4 nước xuất khẩu thủy sản lớn nhất thế giới, giữ vai trò chủ đạo cung cấp nguồn thủy sản toàn cầu.

Ngọc Thơ



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 37
  • Hôm nay: 901
  • Trong tuần: 70,234
  • Tất cả: 11,864,261